HỆ THỐNG ĐANG BẢO TRÌ. XIN QUÍ THẦY CÔ VÀ CÁC BẠN SINH VIÊN VUI LÒNG QUAY LẠI SAU.
HỆ THỐNG ĐANG BẢO TRÌ. XIN QUÍ THẦY CÔ VÀ CÁC BẠN SINH VIÊN VUI LÒNG QUAY LẠI SAU.
Thời tiết ở Gò Vấp, Hồ Chí Minh, Go Vap, Hồ Chí Minh thời tiết hôm nay, ngày mai, 3 ngày, 7 ngày, 10 ngày, 15 ngày, những ngày này. Dự báo cho Gò Vấp. Việt Nam.
VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh là chi nhánh hoạt động trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và 6 tỉnh thành phía Nam:Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh. Địa bàn hoạt động rộng đi cùng với nhiều khó khăn, thách thức song những năm qua Chi nhánh luôn nỗ lực tự hoàn thiện mình để ngày càng đảm đương tốt hơn nhiệm vụ được giao, tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng, giữ vững vai trò và sứ mệnh đại diện vì một cộng đồng “Doanh nghiệp vững mạnh, Quốc gia thịnh vượng".
Kênh xúc tiến đối ngoại tuyến đầu
Ngay sau ngày giải phóng đất nước (năm 1975), Ban lãnh đạo Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã cử các cán bộ lãnh đạo, chuyên viên từ miền Bắc vào tiếp quản cơ sở vật chất và lưu dụng một số chuyên viên của Phòng Thương mại - Công kỹ nghệ Sài Gòn. Đây là dấu mốc khởi đầu chặng đường phát triển của Chi nhánh Phòng Thương mại tại TP.Hồ Chí Minh; đến năm 1982, Chi nhánh đổi tên thành VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho đến ngày hôm nay.
Thời điểm đó, VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh còn trực thuộc Bộ Ngoại thương và hoạt động như một kênh xúc tiến tuyến đầu giúp các doanh nghiệp và phái đoàn doanh nghiệp của các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa tiếp cận thị trường Việt Nam, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước đang trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới - mở cửa và lệnh cấm vận kinh tế của chính phủ Mỹ áp đặt lên nền kinh tế nước ta còn chưa được dỡ bỏ Về công tác chuyên môn, các hoạt động tiêu biểu nhất của Chi nhánh là xúc tiến thương mại đầu tư và công tác tổ chức hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Trong hoàn cảnh hầu hết các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa giai đoạn đó chưa có điều kiện đặt cơ quan thương vụ tại TP.Hồ Chí Minh nên mỗi khi các nước có đoàn doanh nghiệp tới Thành phố thì thường chọn VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh làm đầu mối, điểm đầu cầu giúp bố trí các cuộc gặp, làm việc với các đối tác và đơn vị hữu quan trên địa bàn. Chi nhánh còn hỗ trợ và cung cấp dịch vụ trọn gói cho các đoàn doanh nghiệp từ thủ tục xin cấp visa, đăng ký lưu trú, giấy phép đi lại cho đến biên phiên dịch, bố trí chương trình làm việc với các đơn vị và tổ chức hữu quan. Ở chiều ngược lại, Chi nhánh cũng giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Thành phố cũng như các tỉnh trên địa bàn hoạt động của Chi nhánh tiếp cận và mở rộng thị trường ngoài nước. Giai đoạn này, các doanh nghiệp thường xuyên coi văn phòng của Chi nhánh là địa chỉ giao dịch với các đối tác và doanh nhân quốc tế.
Tăng cường năng lực liên kết cộng đồng doanh nghiệp
Giai đoạn 1993 đến nay, cùng với tiến trình mở cửa hội nhập của đất nước, VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cũng đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào công cuộc đổi mới kinh tế đất nước, xây dựng thể chế kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Với vai trò đầu mối của mình, Chi nhánh đã tranh thủ được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế giúp hỗ trợ tăng cường năng lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là tăng cường năng lực liên kết cộng đồng doanh nghiệp. Trong khi các phòng ban chuyên môn thuộc Chi nhánh vẫn hoạt động đều tay (cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ thương mại; đầu mối đối thoại với các tổ chức quốc tế để trao đổi, giới thiệu về động thái phát triển của môi trường kinh doanh tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam,...) thì các hoạt động của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Chi nhánh lại có bước phát triển nổi trội thông qua một loạt các dự án được các tổ chức quốc tế tài trợ. Qua đó đã có tác động lan tỏa đóng góp cho việc hình thành, phát triển tầng lớp doanh nghiệp mới. Đơn cử như dự án chuỗi hội thảo giới thiệu mô hình Vườn ươm doanh nghiệp (DN) (Incubator) do tổ chức zDH của Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ đã góp phần tăng cường nhận thức cho các đơn vị hữu quan của TP.Hồ Chí Minh, là tiền đề dẫn tới sự ra đời của Công viên phần mềm Quang Trung và các vườn ươm DN sau này trên địa bàn. Dự án do Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) tài trợ, đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn để triển khai Chương trình đào tạo “Khởi sự Doanh nghiệp và Tăng cường khả năng kinh doanh - Start and Improve Your Business” (SIYB). Đây cũng là tiền đề để phát triển phong trào khởi nghiệp và tăng cường năng lực cho doanh nghiệp. Dự án “Giảm nghèo thông qua tổng thể phát triển doanh nghiệp nhỏ” (PRISED) cũng do ILO tài trợ đã giới thiệu mô hình liên kết chuỗi giá trị mà Chi nhánh được phân công triển khai hỗ trợ tỉnh Bình Phước, và triển khai Tuần lễ DN tại các tỉnh Đồng Nai, Bến Tre, Bình Dương,... góp phần tăng cường tính liên kết vùng. Năm 2014, Chi nhánh đã ký thỏa thuận hợp tác với tổ chức USAID của Hoa Kỳ và Amcham TP.Hồ Chí Minh triển khai dự án VTFA - Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại. Qua đó, xây dựng được cơ chế đối thoại doanh nghiệp và Hải quan, giúp thiết thực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giúp tăng cường năng lực cạnh tranh tổng thể quốc gia.
Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì vai trò tạo thuận lợi thương mại và xây dựng quan hệ lao động hài hòa ngày càng được quan tâm. Đáp ứng nhu cầu này, Văn phòng Giới sử dụng lao động của VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh đã được thành lập năm 1998 và hiện đang đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tăng cường năng lực hoàn thiện thể chế và xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII (nhiệm kỳ 2021 - 2026), VCCI chính thức đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Với định hướng tầm nhìn “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng”, sứ mệnh “Liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới” và như tên gọi mới đã cho thấy định hướng phát triển trọng tâm của toàn hệ thống VCCI. VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh với vai trò là chi nhánh hàng đầu của hệ thống cũng đang chuyển biến theo định hướng mới là đẩy mạnh liên kết ngành, liên kết vùng và xa hơn là không chỉ dừng lại ở vai trò xúc tiến thương mại truyền thống mà cần đóng góp vào việc thúc đẩy, hỗ trợ các ngành sản xuất công nghiệp chủ chốt theo hướng hiện đại hóa, cạnh tranh quốc tế và nâng cao giá trị gia tăng, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia đạt tiêu chí công nghiệp hóa vào năm 2030.
Các hoạt động gần đây nhất của Chi nhánh như tổ chức Gala Dinner thường niên lần thứ nhất (đầu năm 2023); lãnh đạo VCCI gặp gỡ các lãnh đạo tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; gặp gỡ hội viên VCCI-chi nhánh TP.Hồ Chí Minh,… cũng đã phần nào khẳng định quá trình từng bước hiện thực hóa định hướng đó. Sau khi kiện toàn đội ngũ lãnh đạo và nhân sự mới, VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cũng đang chuẩn bị cho nhiều hoạt động phát triển mang tính đột phá. Đứng chân trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năng động nhất cả nước đòi hỏi Chi nhánh phải nỗ lực không ngừng vươn lên, triển khai các hoạt động đều khắp các lĩnh vực chuyên môn; tham gia cũng như có tiếng nói tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo để tăng cường hình ảnh, vị thế của Chi nhánh trong cộng đồng doanh nghiệp.
Hơn nữa, trong bối cảnh các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề đã trưởng thành và việc liên kết vùng đang đòi hỏi những giải pháp mới, tầm nhìn mới, VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh sẽ có những chiến lược và kế hoạch phù hợp, biến tầm nhìn đó thành những hành động cụ thể thông qua các dự án, chương trình, hoạt động. Đây cũng chính là những nền tảng đảm bảo định hướng triển khai thành công các hoạt động của VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh trong thời gian tới, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của VCCI nói chung và Chi nhánh nói riêng.